Sáng 14/7, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương tổ chức buổi đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2016. Chủ trì buổi đối thoại có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vương Đức Sáng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Hội nghị đối thoại có mặt các đồng chí lãnh đạo và cán bộ của Cục Phát triển doanh nghiệp, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lãnh đạo và cán bộ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và đại diện gần 150 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó có 60 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và đông đảo các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương.
Buổi đối thoại có sự tham gia đông đảo các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, trong những năm qua, tỉnh Hải Dương luôn làm tốt các chính sách phát triển doanh nghiệp, hoạt động đối thoại với doanh nghiệp được lãnh đạo tỉnh Hải Dương rất quan tâm và tổ chức đều đặn nhằm kịp thời lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bởi vậy, tham gia đối thoại, các doanh nghiệp hãy thẳng thắn phản ánh những khó khăn, vướng mắc thực sự để các ngành, các địa phương trực tiếp trao đổi và giải đáp. Không chỉ tiếp nhận thông tin qua gặp mặt, lãnh đạo các ngành, các địa phương của tỉnh luôn sẵn sàng tiếp nhận thông tin phản ánh thông qua các kênh như đường dây nóng, hộp thư điện tử… Bên cạnh đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị lãnh đạo các ngành, các địa phương, người dân và doanh nghiệp cần thay đổi tư duy theo hướng tạo điều kiện, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp; doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành, tất cả vì mục tiêu phát triển bền vững.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển phát biểu khai mạc buổi đối thoại
Tại buổi đối thoại, sau khi nghe đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam giới thiệu các nội dung cơ bản của Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, đồng chí Nguyễn Đình Kiêm, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đọc báo cáo tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp gửi tới các Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành về những khó khăn, vướng mắc mà cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh gửi tới Hội nghị.
Trao đổi tại Hội nghị đối thoại, các doanh nghiệp, đại diện của 3 hội, hiệp hội là: Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh đã nêu thẳng thắn, cụ thể với lãnh đạo tỉnh về những khó khăn vướng mắc mà doanh nghiệp đang phải đối mặt khi hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Các nội dung được nhiều doanh nghiệp đề cập trong buổi đối thoại tập trung vào các nhóm vấn đề vướng mắc về chính sách thuế, vốn vay, cơ sở hạ tầng, thủ tục về đất đai, giá thuê đất, cung ứng điện, thủ tục hành chính, hoạt động thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp…
Các doanh nghiệp đề nghị các sở, ngành, đặc biệt là các cơ quan liên quan trực tiếp đến quá trình hoạt động của DN, cần công khai và thông tin thường xuyên cho các DN về các chính sách thuế, ưu đãi đầu tư; có thêm chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi để doanh nghiệp ổn định sản xuất, đầu tư máy móc, thiết bị; đồng thời, tích cực cải cách thủ tục hành chính, đơn giản các quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết... tạo điều kiện cho DN đầu tư, sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, tỉnh và các địa phương cần hoàn thiện và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng để đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp. Tỉnh nên xem xét đầu tư các công trình như Bệnh viện, trường học quốc tế để phục vụ nhu cầu ổn định cuộc sống của các lao động người nước ngoài. Ngành điện cần quan tâm, cung cấp điện ổn định cho doanh nghiệp nhằm hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại do sự cố mất điện gây ra cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp đề nghị tỉnh cần có sự tham mưu cho chính phủ ban hành các quy định hợp lý hơn về chế độ làm thêm giờ nhằm cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động. Đồng thời có có chính sách nhằm tăng cường sự phối hợp, liên kết giữa các doanh nghiệp và trường trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động. Công tác thanh tra, kiểm tra hiện nay cũng được các doanh nghiệp phản ánh và đề nghị tỉnh cần chỉ đạo thống nhất trong toàn tỉnh tránh tình trạng chồng chéo, trùng lặp gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Các vấn đề vướng mắc doanh nghiệp đã được lãnh đạo các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Công ty TNHHH MTV Điện lực Hải Dương; Cục thuế tỉnh; cùng lãnh đạo thành phố Hải Dương, lãnh đạo Cục phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư trực tiếp giải đáp thỏa đáng. Cùng với đó, lãnh đạo các ngành, địa phương đều cam kết sẽ tạo mọi điều kiện để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hoa Cương vui mừng cho biết, Hải Dương là tỉnh thứ ba trong toàn quốc tổ chức Hội nghị đối thoại sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và cũng là một trong những tỉnh sớm ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP.
Đồng chí Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận buổi đối thoại
Phát biểu kết luận buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái biểu dương tinh thần thẳng thắn của các doanh nghiệp, đồng thời cảm ơn những đề xuất của doanh nghiệp trong việc cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh Hải Dương. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tổng hợp các ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp để báo cáo lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các ngành kịp thời tháo gỡ. Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo các địa phương và sở, ngành tiếp thu và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp. Trong đó, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường đạo đức công vụ cho công chức, phát huy tính gương mẫu của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Các sở, ban, ngành cần đồng hành cùng doanh nghiệp, tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả điều hành. Trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra, yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 21/6/2016 của UBND tỉnh về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, trong đó quy định 02 nội dung quan trọng là: Không tiến hành thanh tra, kiểm tra quá một lần tại một doanh nghiệp trong một năm (trừ trường hợp thanh tra lại). Trước khi thực hiện thanh tra, kiểm tra phải gửi thông báo trước và gửi cho các Sở, ngành khác thời gian cũng như nội dung làm việc để tránh sự chồng chéo, trùng lặp. Doanh nghiệp được quyền sử dụng văn bản kết luận của Đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đã làm trong năm như một cơ sở pháp lý để đề nghị cơ quan ra quyết định thanh tra, kiểm tra rút những nội dung thanh tra, kiểm tra trùng lặp. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh là có doanh nghiệp một năm phải đón đến 12 đoàn thanh tra, kiểm tra; cá biệt có doanh nghiệp trong một buổi sáng phải đón 3 đoàn thanh tra, kiểm tra. Thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp nhiều như vậy rất tốn kém, nhất là về thời gian, làm sao chủ doanh nghiệp còn đầu óc tập trung đến sản xuất kinh doanh?
Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Hải Dương sẽ duy trì hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, đồng thời coi trọng hoạt động giám sát sau đối thoại để đánh giá nỗ lực của các ngành, các địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh sẽ xử lý nghiêm khắc các trường hợp cố tình gây khó khăn cho doanh nghiệp vì đã lên tiếng phản ánh các vướng mắc gặp phải với các cơ quan chức năng. Muốn phát triển nhất định phải có đổi mới, sáng tạo, cái mới, cái sáng tạo thường đến đơn độc, thậm chí là ý kiến trái chiều, đến từ các cá nhân nên nếu không được phát hiện, không được nuôi dưỡng, không được được khuyến khích, trân trọng và được tạo cơ hội thích đáng sẽ rất dễ bị thui chột và để lãng phí rất đáng tiếc. Là người lãnh đạo, dù ở vị trí nào cũng cần luôn mở lòng để nghe được, hiểu được thậm chí những điều mà tai có thể chưa quen nghe, mắt chưa quen nhìn ... Chỉ có như vậy, mới có sáng tạo, mới có đổi mới. Cái mà Hải Dương đang rất cần có đó là khát vọng và tư duy sáng tạo và dám nghĩ, dám làm, thậm chí trên một số lĩnh vực cần thay đổi hẳn tư duy, việc gì mà tốt cho dân, cho doanh nghiệp thì nhất định cố gắng phải làm cho bằng được, không chỉ dừng ở trông chờ, báo cáo, chờ xin ý kiến cấp trên. Sáng tạo luôn là động lực để phát triển, sáng tạo không bao giờ thiếu nhưng vấn đề là chúng ta biết khơi dậy, biết trân trọng.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các doanh nghiệp tích cực phối hợp với tỉnh, thường xuyên có những trao đổi, phản ánh tới lãnh đạo tỉnh để kịp thời nắm bắt và khắc phục. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, đề nghị các doanh nghiệp tôn trọng pháp luật, nêu cao đạo đức kinh doanh vì lợi ích và sự phát triển của cả doanh nghiệp và địa phương doanh nghiệp đang hoạt động. Các hội, hiệp hội doanh nghiệp của tỉnh cần nâng cao chất lượng, hoạt động đi vào thực chất, đại diện được tiếng nói cho cộng đồng doanh nghiệp về chính sách, pháp luật và thực thi, nhất là việc giám sát thực hiện sau đối thoại, thực sự là tiếng nói phản biện có giá trị ... làm tốt được những việc như vậy, các hội, hiệp hội sẽ thực sự là mái nhà chung, là nơi tụ hội của các doanh nghiệp, chia sẻ, gắn kết để cùng phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Hội nghị đối thoại kết thúc trong niềm vui, phấn khởi, tin tưởng vào sự đổi mới mạnh mẽ của tỉnh Hải Dương trong thời gian tới, sẽ là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự cố gắng vươn lên không ngừng, vượt mọi khó khăn, khát vọng làm giàu chân chính của cộng đồng doanh nghiệp./.
Lê Xuân Hiền
Quyet dinh 1889 của UBND tinh ve chuong trinh hanh dong thuc hien NQ35.pdf
File đính kèm:
Nguồn: Tài khoản Hệ thống
Hôm nay: 62
Tổng lượng truy cập: 361160